Tại cuộc họp Hội đồng Tư vấn Kinh tế và Tài chính của Nhật Bản, ngày 05/6, Thủ tướng Abe thông báo kế hoạch, kể từ tháng 4/2019, nước này sẽ tiếp nhận lao động nước ngoài số lượng lớn trong các ngành đang thiếu hụt lao động như xây dựng, nông nghiệp, điều dưỡng… Đồng thời, sẽ mở cửa tiếp nhận hơn 500.000 lao động giản đơn đến năm 2025 là khu vực mà trước đây không tiếp nhận lao động nước ngoài. Có thể nói, trong thời gian tới sẽ có rất nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam luôn mong muốn được làm việc tại Nhật Bản.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Abe nhận xét rằng, tình hình thiếu hụt lao động tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở khu vực nông thôn ngày càng trầm trọng do các vấn đề về chính sách nhập cư. Do đó, Nhật Bản cần nhanh chóng xây dựng chính sách, cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nước ngoài có năng lực và kỹ năng nhất định làm việc tại Nhật Bản.


Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe họp nội các, quyết định về mở rộng việc đón nhận người lao động nước ngoài theo những tiêu chí mới

Hiện nay, lực lượng lao động Nhật Bản có khoảng 66 triệu người, trong đó có 1,27 triệu lao động nước ngoài (tính đến tháng 10/2017). Như vậy cứ 50 lao động thì có 1 người nước ngoài. Đồng thời tính đến năm 2024, lực lượng lao động Nhật Bản sẽ giảm 15 triệu người so với hiện nay. Đây thực sự là con số lớn đág báo động sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế của Nhật Bản.

Dự kiến Chính phủ sẽ đệ trình dự thảo Khung về phương châm cơ bản điều hành kinh tế tài chính của Chính phủ trong đó bổ sung nội dung liên quan đến việc lập tư cách cư trú mới cho những đối tượng sau khi kết thúc thời gian tu nghiệp và những người thi đỗ kỳ thi theo qui định của Chính phủ Nhật Bản. Dự kiến dự thảo này sẽ được trình tại kỳ họp Quốc hội vào mùa thu năm nay và chính thức triển khai từ tháng 4/2019.

Có hai phương án để tiếp nhận lực lượng lao động nước ngoài mới:

  1. Chương trình tu nghiệp sinh được kéo dài lên 5 năm. Các tu nghiệp sinh này sẽ phải quay trở về khi kết thúc chương trình
  2. Lao động vượt qua kỳ thi tuyển tiếng Nhật; có thể tiếp nhận lao động có năng lực tiếng Nhật thấp đối với các ngành nghề như xây dựng, nông nghiệp… tối thiểu ở mức N4 và có năng lực chuyên môn nhất định.

Ngoài ra còn có những điểm mới trong XKLĐ tại Nhật Bản:

  1. Những người đã tu nghiệp 3 năm, được cho là những người có đủ trình độ năng lực tiếng Nhật và trình độ chuyên môn ở mức nhất định, do đó, sẽ được miễn thi các kỳ thi đối với một số ngành nghề.
  2. Những đối tượng làm trong ngành nghề chuyên môn sẽ được xem xét thay đổi tư cách lưu trú, có loại visa mới, giúp họ có thể ở lại Nhật Bản làm việc dài hạn trên 5 năm cũng như được cấp visa cho người nhà đi cùng.


Học tiếng Nhật trở thành một yêu cầu cần thiết cho việc làm việc tại Nhật Bản

Mặc dù Chính phủ Nhật Bản ngày càng thúc đẩy triển khai các chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm để đảm bảo xây dựng hệ thống tiếp nhận lao động nước ngoài đáp ứng được yêu cầu để lao động nước ngoài lựa chọn Nhật Bản là điểm đến. Nhật Bản có thể học tập kinh nghiệm của Tây Đức trước đây khi tiếp nhận lao động nước ngoài. Trong thập kỷ 30, Tây Đức đã tiếp nhận số lượng lao động giản đơn từ Thổ Nhĩ Kỳ. Phần lớn các lao động này không biết tiếng Đức và bị cô lập. Vì những lý do khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa và môi trường làm việc kém, lực lượng lao động Thổ Nhĩ Kỳ này là nguyên nhân góp phần tạo nên sự chia rẽ trong cộng đồng.

Hiện nay, tư tưởng tuyển lao động nước ngoài chi phí thấp khiến Nhật Bản chưa phải là điểm đến hấp dẫn của lao động nước ngoài có tay nghề. Chính phủ Nhật Bản cần phải có những điều chỉnh thích hợp về chính sách, trong đó củng cố hệ thống giáo dục tiếng Nhật là ưu tiên. Các doanh nghiệp cần hợp tác và cung cấp cơ hội học tiếng Nhật cho lao động nước ngoài. Nâng cao môi trường lao động cũng cần được quan tâm, đặc biết là chênh lệch về tiền lương giữa lao động Nhật Bản và lao động nước ngoài cũng như đảm bảo bảo hiểm xã hội.


Comments

 
You need support?