Theo đơn thư phản ánh của anh M.V.S (25 tuổi, trú tại xã Nhật Tựu, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), vào tháng 3/2018, anh thi đỗ đơn hàng xuất khẩu sang Nhật làm công nhân lắp ghép sản phẩm nhựa cao su do Công ty cổ phần đầu tư Việt Phú (Cty Việt Phú) giới thiệu. Trong đó riêng trình độ tiếng Nhật của anh đạt mức N4 (cao hơn so với yêu cầu mà công ty đưa ra).
Lịch bay công ty cam kết là vào tháng 7/2018, hoặc chậm nhất là tháng 9/2018, với mức phí đơn hàng là 7.500 USD. Vì được cam kết bay sớm và hứa hẹn công việc có mức lương ổn định, anh S đành chấp nhận mức phí cắt cổ trên.Tuy nhiên, đến tận tháng 12/2018, anh S vẫn không nhận được bất kỳ thông báo nào về lịch bay.
“Hỏi nhân viên môi giới thì họ viện đủ lý do như công ty Nhật vẫn chưa hết hạn hợp đồng với nhân viên cũ, Cục Xuất nhập cảnh quá tải hồ sơ, đơn hàng kỹ sư nên phải chờ lâu… Trong khi, tôi đã đóng đủ tiền như yêu cầu và hoàn thiện xong thủ tục”, anh S kể.
Sau 2 tháng tiếp tục được hứa hẹn sẽ có lịch bay mới, đến tháng 3/2019, anh S tá hỏa nhận đươc giấy báo trượt “Tư cách lưu trú” từ Cty Việt Phú với lý do nộp hồ sơ trái ngành và chứng chỉ chưa đủ điều kiện, phải từ N3 trở lên.
Phía Cty Việt Phú cam kết hoàn trả số tiền anh S đã đóng và bồi thường 10 triệu đồng do đơn hàng hủy. Tuy nhiên, liên hệ với từ cán bộ môi giới đến bộ phận kiểm soát của Cty Việt Phú, họ đều cho biết, không giải quyết được, trong khi lãnh đạo công ty từ chối gặp anh.
Hóa đơn nộp tiền không có dấu đỏ được môi giới Công ty cổ phần tập đoàn HR Group sử dụng rất mập mờ.
“Đến giờ tôi không nhận được phản hồi gì từ Cty Việt Phú. Việc tôi bị từ chối đi xuất khẩu một cách vô cớ xuất phát từ phía công ty đã khiến tôi phải gánh chịu thiệt hại. Tôi đã phải bỏ dở công việc kỹ sư với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng để nhập học và chờ đợi suốt hơn 1 năm. Chi phí cho việc này là khoản tiền gia đình tôi đi vay lãi trong 2 năm sắp đến hạn trả nay cũng chưa biết xử lý thế nào”, anh S nói.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Như Luận, Trưởng phòng kiểm soát, Cty Việt Phú thừa nhận đơn hàng của anh M.V.S có sự chậm trễ. Tuy nhiên, theo ông Luận, nguyên nhân do phía xí nghiệp tuyển lao động và Cục quản lý người ngoài nước Nhật yêu cầu trình độ tiếng Nhật khác nhau.
“Khi đặt đơn hàng phía xí nghiệp chỉ yêu cầu trình độ N4, tuy nhiên khi trình lên Cục quản lý người ngoài nước lại yêu cầu trình độ N3. Do đó, hồ sơ của anh M.V.S không đủ tư cách lưu trú. Lỗi này bên xí nghiệp không ra thông báo N3 nên phía công ty cũng bất ngờ”.
Ông Luận cho biết, phía công ty cũng đã trả lại tiền đặt cọc cho anh M.V.S và bước đầu hỗ trợ 5 triệu đồng. Hai bên sẽ tiếp tục thương lượng về vấn đề này, công ty sẽ cẩn thận hơn trong thông tin các đơn hàng.
Môi giới ôm tiền “cao chạy, xa bay”
Không chỉ vậy, có trường hợp, môi giới còn ôm tiền của người lao động cao chạy xa bay như trường hợp chị T.T.V (28 tuổi, quê ở Thái Bình). Tháng 9/2018, chị V được một môi giới tên Trần Văn Lương, tự xưng là cán bộ tuyển dụng của Cty cổ phần tập đoàn HR Group giới thiệu đơn hàng kỹ sư thực phẩm tại tỉnh Ibaraki (Nhật Bản) với mức phí 4.500 USD.
Tuy nhiên, sau khi đóng 10 triệu đồng tiền cọc và 3.000 USD chi phí, phía Cty cổ phần tập đoàn HR Group liền thông báo đột xuất báo hủy đơn hàng. Kể từ đó, suốt hơn 5 tháng trời, chị long đong đi đòi tiền nhưng không được. Đến ngày 28/2/2019, chị V mới được nhân viên môi giới hẹn lên để trả tiền. Nhưng số tiền được trả lại chỉ 1.000 USD, địa điểm nhận tiền là ở một công ty khác, có tên là Cty cổ phần Kết nối nhân lực Việt HR (địa chỉ tại tầng 20, tháp B tòa nhà Sông Đà). Số tiền còn lại hơn 2.000 USD, Cty cổ phần Kết nối nhân lực Việt HR thông báo liên hệ với người môi giới để nhận.
“Nhân viên môi giới thông báo trả trước 1.000 USD rồi đi Quảng Trị công tác. Lúc chào mời thì ngon ngọt, nay nhận tiền thì quát tháo. Còn các công ty đều phủi phui trách nhiệm nói không biết và không liên quan. Hơn nửa năm nay, tôi và gia đình đi đòi lại tiền mà khốn khổ”, chị V nói.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Kiểm soát của Công ty cổ phần tập đoàn TMS HR ( Cty mẹ của Cty cổ phần tập đoàn HR Group) cho hay, hiện môi giới Trần Văn Lương đã nghỉ việc nên công ty không nắm rõ vụ việc. Phóng viên muốn tìm hiểu thì chủ động liên hệ với môi giới.
Bà Đỗ Linh Nga, Trưởng phòng tuyển dụng Cty cổ phần Kết nối nhân lực Việt HR thì phủi trách nhiệm cho biết, việc môi giới thu tiền quá quy định hoặc “om” tiền của người lao động thì người lao động tự liên hệ giải quyết. Phía công ty chỉ hoàn trả đúng số tiền mà môi giới đã đóng cho đơn hàng đó, ngoài ra không có trách nhiệm gì thêm.
Theo tìm hiểu, Cty cổ phần Kết nối nhân lực Việt HR và Cty cổ phần tập đoàn HR Group đều cùng thuộc hệ thống của Cty cổ phần nhân lực TMS HR. Do vậy, khi người lao động được môi giới hướng dẫn đóng tiền một nơi, nhưng lại được nhận ở một nơi khác, số tiền còn lại rất khó đòi. Nhất là khi Cty thông báo môi giới đã nghỉ việc, người lao động càng trở nên long đong.
Lãnh đạo Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH cho rằng việc môi giới thu tiền quá cao với đơn hàng là không đúng quy định. Các công ty xuất khẩu lao động phải có trách nhiệm liên hệ với các cán bộ, nhân viên, môi giới để hoàn trả số tiền mà người lao động đã đóng, không thể nói không liên quan.
“Còn việc môi giới “om” tiền của người lao động là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu người dân có đơn tố cáo, cơ quan công an sẽ vào cuộc xử lý. Cục cũng sẽ tiến hành chỉ đạo các cơ quan thanh tra làm rõ những phản ánh tại các công ty xuất khẩu lao động để xảy ra tình trạng này”, lãnh đạo Cục quản lý lao động ngoài nước khẳng định.
Theo Tienphong.vn